Header Ads

Mũi Né - thiên đường du lịch được tạo nên từ những cồn cát

Từ tháng 4 tới tháng 8, Mũi Né trải qua khoảng thời tiết đẹp nhất trong năm, khi nước biển trong xanh nhất. Từ tháng 8 tới tháng 12, nơi đây lại thích hợp cho dân đam mê thể thao mạo hiểm như lướt ván, khi sóng mạnh hơn. Tuy nhiên, dù là thời điểm nào trong năm, bạn cũng có thể cùng người thân và bạn bè xách balô đến Mũi Né, bởi mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng.

Được mệnh danh là “mảnh đất của hòn và đồi”, Mũi Né có rất nhiều địa điểm vui chơi, trải nghiệm phong phú cho du khách lựa chọn.

Nơi đầu tiên bạn có thể tìm đến cho chuyến du lịch của mình là Hòn Ghềnh (tên gọi khác là Hòn Lao), cách Mũi Né khoảng 1 km và còn khá hoang sơ. Sáng sớm bạn có thể đến đây để câu cá, đi lặn biển ngắm san hô, buổi tối là thời gian đẹp nhất để ngắm hoàng hôn trên biển.

Để đến được Hòn Ghềnh, bạn có thể thuê ghe của ngư dân hoặc đi theo dịch vụ đưa đón của resort, khách sạn.



Nếu yêu thích hoạt động leo núi và cắm trại, du khách có thể lựa chọn Hòn Rơm - một núi nhỏ vẫn còn hoang sơ nằm tại ấp Long Sơn, phường Mũi Né, Phan Thiết. Bạn nên đến Hòn Rơm vào sáng sớm hoặc chiều tà để ngắm bình minh, hoàng hôn. Đây là địa điểm thú vị để đốt lửa trại và ngắm sao đêm. Nếu muốn tắm biển, bạn có thể đến cụm bãi tắm Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2 hoặc bãi Thuỳ Trang.

Đừng bỏ qua "tiểu sa mạc Sahara" của Việt Nam - hai hồ nước ngọt thiên nhiên Bàu trắng và Bàu sen. Đến đây vào mùa hè, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng nghìn đoá sen nở rộ giữa đồi cát trắng, đồng thời có thể thuê xe địa hình hoặc xe jeep để lái quanh hồ.


Sau khi đã vui chơi chán chê những địa danh thiên nhiên, bạn có thể đổi gió với làng chài Mũi Né, cách thị trấn khoảng 3 km. Mặc dù làng chài chỉ trải dài tầm 100 m ven biển, nhưng đây là nơi có thể cảm nhận rõ ràng nhất cuộc sống của ngư dân. Ngay lối vào làng chài là hàng trăm tàu thuyền đánh cá đầy màu sắc sặc sỡ neo đậu, rất thích hợp cho công cuộc “sống ảo” của nhóm bạn trẻ.

Nếu muốn mua hải sản tươi ngon ngay tại làng chài, bạn nên ghé thăm vào lúc sáng sớm khi thuyền vừa cập bến.

Đối với các khách du lịch yêu thích khám phá lịch sử và văn hóa vùng đất Mũi Né, bạn nên ghé thăm trường Dục Thanh, được thành lập vào năm 1907 bởi những sĩ phu yêu nước hưởng ứng phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Trường Dục Thanh cũng là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay trong trường vẫn còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây một thế kỷ.


Ở Mũi Né còn có một di tích từ năm 1762 là dinh Vạn Thuỷ Tú với vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm. Nơi đây là biểu tượng của tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân Bình Thuận, lưu giữ bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hàng năm, các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào ngày âm lịch tại dinh.

Dinh Vạn Thủy Tú lưu giữ hàng chục bộ sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn đã ban tặng, trong đó riêng đời vua Thiệu Trị đã có đến 10 sắc phong và đến nay sau hơn 150 năm vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Có chiếc chuông đồng đúc vào năm Nhâm Thân (1872), đến nay đã được 140 năm.

Ngoài những địa danh trên, bạn cũng có thể ghé thăm suối Tiên, đảo hòn Bà, hải đăng Kê Gà, núi Tà Cú, bãi đá Cổ thạch, chùa Hang, gành Son, cù lao Câu, đảo Phú Quý... đều là những nơi xứng đáng được check-in khi tới Mũi Né.

Mũi Né không chỉ hút du khách nhờ biển xanh và cát trắng, mà còn bởi hệ thống ẩm thực phong phú, sẵn sàng làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất. Về hải sản, Mũi Né nổi tiếng với gỏi cá và gỏi ốc giác. Gỏi cá được chế biến từ cá mai, cá suốt hay cá đục tươi ăn kèm rau sống, bún và nước chấm đặc biệt. Gỏi ốc giác có thành phần chính là thịt ốc giác thái chỉ, thịt heo, rau, đậu phộng rang, hành phi trộn đều, chấm cùng nước mắm chua ngọt.

Cua huỳnh đế lại là một món ngon dành cho những người thích thịt cua, ghẹ. Cua huỳnh đế vùng Tuy Phong có quanh năm nhưng vào độ tháng chạp âm lịch là thời điểm chất lượng nhất. Cua huỳnh đế thường được nướng hoặc hấp chấm với muối tiêu chanh, nhưng ngon nhất là nấu cháo.







Một món đặc sản khác của đồi cát Mũi Né là dông. Thịt dông trắng như thịt gà nhưng ngọt, bùi và mềm hơn. Một số món ngon được chế biến từ con dông như: dông nướng, dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông và dông nấu dưa hồng.

Thế nhưng món ăn đặc trưng ở Phan Thiết mà du khách mỗi khi đến phải tìm ăn cho bằng được phải nhắc tới lẩu thả. Nguyên liệu chính của món lẩu thường cá mai, cá thu, cá trích, cá đục, cá diêu hồng... làm sạch, phi lê rồi thái thành từng lát mỏng dính. Rau ăn kèm lẩu thả cũng được thái sợi nhỏ. Lẩu thả ăn cùng nước chấm được pha từ hỗn hợp me chua, ớt trái, tỏi, đậu phộng rang, chuối sứ chín, xay nhuyễn rồi pha với nước mắm nguyên chất.

Sau khi đã no nê với món chính, bạn có thể dạo phố và thưởng thức những món ăn vặt phổ biển ở Bình Thuận như bánh tráng cuốn dẻo, bánh tráng mắm ruốc…


Hiện nay, Mũi Né là một trong những khu du lịch phát triển nhất Việt Nam, nên các hình thức nghỉ dưỡng, lưu trú cũng rất đa dạng. Bạn và người thân, bạn bè có thể lựa chọn nhiều loại hình từ homestay, nhà nghỉ bình dân tới khách sạn, resort cao cấp.

Nếu ưa khám phá, thích di chuyển và muốn tiết kiệm, bạn trẻ có thể chọn homestay, tuy đa số cách xa biển nhưng mang tới trải nghiệm tự do và giá rẻ. Còn nếu đến Mũi Né với mục đích nghỉ dưỡng, bạn nên ở trong các resort cao cấp để có thể tận hưởng những dịch vụ tiện nghi, thoải mái và sang trọng.

Một địa chỉ nghỉ dưỡng uy tín mà bạn và gia đình, bạn bè có thể cân nhắc là Anantara Mui Ne. Khu nghỉ dưỡng này nằm bên bờ biển dài với 89 phòng, được thiết kế theo cảm hứng Á Đông như một khu vườn nhiệt đới hướng thẳng ra biển.

Khu nghỉ dưỡng có đầy đủ các dịch vụ cao cấp như quán bar bể bơi, spa, cậu lạc bộ trẻ em, phòng gym… Tọa lạc tại vị trí đắc địa, du khách nghỉ tại Anantara Mui Ne có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hoàng hôn, khám phá những ngọn núi tuyệt đẹp, lướt ván diều trên biển và thưởng thức hàng trăm món ngon ẩm thực thế giới cũng như Việt Nam.

Không có nhận xét nào

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Được tạo bởi Blogger.